Đôi bạn thân tốt nghiệp thạc sĩ với 7 công bố quốc tế

image 17

Khác với mong muốn học để ra trường bán thuốc, Trang và Ngần bị cuốn hút bởi việc nghiên cứu, cùng tốt nghiệp xuất sắc và giành học bổng tiến sĩ ngành Hóa phân tích.

Trương Thị Thùy Trang (Hà Nội) và Vũ Thị Ngần (Hải Dương), 24 tuổi, bảo vệ luận văn thạc sĩ hồi cuối tháng 7 tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với điểm tuyệt đối.

Đồng hành từ ngày đại học, đến nay cả hai có 7 công bố trên tạp chí quốc tế ISI, trong đó 6 bài trên tạp chí Q1 – nhóm gồm những tạp chí khoa học uy tín nhất. Riêng giai đoạn học thạc sĩ, mỗi người là tác giả chính của hai bài Q1.

PGS.TS Phạm Tiến Đức, phó trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng là người hướng dẫn, cho hay hai nữ sinh bảo vệ sớm 6 tháng so với chương trình. Số công bố quốc tế cũng nhiều nhất trong các học viên cao học.

“Điều quan trọng, các công bố này đều đăng ở những tạp chí uy tín, có ảnh hưởng cao (chỉ số IF 6-8.8)”, TS Đức nói.

image 17
Trang (trái) và Ngần sau buổi bảo vệ tốt nghiệp thạc sĩ hôm 24/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày đại học, Trang theo học ngành Tiên tiến Hóa, còn Ngần học Hóa Dược ở trường Tự nhiên. Cả hai nói ban đầu chỉ mong hoàn thành chương trình, ra trường đi bán thuốc hoặc làm trong ngành Dược. Tuy nhiên, ngày bước vào phòng thí nghiệm đã thay đổi hướng đi của hai nữ sinh.

“Từ năm thứ hai, sinh viên phải vào phòng nghiên cứu (lab) của trường để thực hành, thực tập các nghiên cứu cơ bản. Mình và Trang cùng một phòng lab nên dần thân với nhau”, Ngần nhớ lại.

Khi mới vào, Ngần và Trang được phân công làm việc ở hai dự án khác nhau, nhưng cùng nghiên cứu về vật liệu nanosilica để xử lý nước thải có tồn dư thuốc kháng sinh. Cả hai cảm thấy vừa may mắn, vừa lo âu khi “chân ướt chân ráo” đã được vào nhóm cùng các anh chị khóa trước để làm nghiên cứu, thay vì những công việc vặt hay những thí nghiệm đơn giản như cân đo chất, chuẩn độ…

Được tiếp xúc với máy móc hiện đại, mới lạ, các hợp chất hữu cơ và làm thí nghiệm trên vật liệu thật, Trang và Ngần thấy hào hứng. Dù vậy, ban đầu tay chân còn lóng ngóng, Trang và Ngần nhiều lần làm hỏng thí nghiệm.

“Mình không quen nên làm hỏng suốt, mà để cho ra kết quả thì phải mất hàng tuần. Có khi hút chất sai, có khi thì đun hỏng, bếp nấu không quay, máy không hoạt động”, Trang kể.

Mỗi lần làm xong thí nghiệm, cả hai cẩn thận viết báo cáo gửi cho thầy hướng dẫn nhận xét, chỉ ra điểm đạt và chưa đạt. Trang nhớ nhất lần thí nghiệm về tính hấp phụ. Hiệu suất phải đạt trên 85%, nhưng Trang chỉ làm được khoảng vài phần trăm.

“Thầy không bực mà nhẹ nhàng góp ý và yêu cầu làm lại. Mãi mình mới phát hiện ra đã tính toán sai từ đầu”, Trang kể. Trong khi đó Ngần nhớ nhất việc làm sai quy trình tổng hợp vật liệu và kết quả khảo sát.

Sau những lần thất bại, cả hai lại động viên nhau cố gắng làm tiếp, tìm ra và khắc phục được những sai lầm của bản thân. Dần dần, Trang và Ngần say mê nghiên cứu hơn.

Đôi bạn cùng nhau dồn lịch đăng ký tín chỉ học vào 1-2 ngày đầu tuần, tập trung tối đa trong tiết học và xử lý công việc ngay trên lớp, ôn lại vào buổi tối. Ngoài ra, Trang và Ngần cố gắng hoàn thiện các bài tập cá nhân và nhóm nhanh nhất có thể để dành thời gian cho nghiên cứu. Vào những ngày còn lại, cả hai đến phòng lab từ sáng đến tám giờ tối, cả thứ 7, chủ nhật. Vào mùa hè, hai nữ sinh cũng thường trong phòng thí nghiệm.

image 16
Trương Thị Thùy Trang trong chuyến trao đổi tại Nhật Bản năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi các kết quả thí nghiệm trở nên rõ ràng, Trang và Ngần được thầy hướng dẫn cách viết báo cáo, chuyển các thuật ngữ chuyên ngành sang tiếng Anh và trình bày bản thảo tương tự công bố quốc tế. Ở khâu này, cả hai không gặp nhiều khó khăn do trau đồi tiếng Anh thường xuyên.

Sau hơn một năm, hai nữ sinh là đồng tác giả công bố quốc tế đầu tiên. Đề tài là biến tính bề mặt vật liệu nanosilica vỏ trấu bằng polyme mang điện thương mại và protein để xử lý kháng sinh. Đến năm cuối đại học, Trang là tác giả chính một công bố quốc tế Q1 về loại bỏ kháng sinh khỏi nước thải bằng nanosilica sau khi biến tính bề mặt bằng polyme mang điện dương tự tổng hợp. Đây cũng là kết quả chính trong khóa luận tốt nghiệp cử nhân của nữ sinh.

Song song đó, cả hai giành hàng loạt học bổng của trường và doanh nghiệp, giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường, được kết nạp Đảng. Trang tốt nghiệp đại học với điểm trung bình (GPA) 3,55/4, đứng đầu lớp Hóa tiên tiến. Trong khi Ngần là thủ khoa ngành Hóa Dược với GPA 3,66. Cả hai được tuyển thẳng vào chương trình thạc sĩ Hóa học phân tích.

“Tất cả mọi người đều bất ngờ vì hai gia đình không ai theo nghề nghiên cứu”, Ngần nhớ lại. Nữ sinh xuất thân là con nhà nông, còn Trang có bố mẹ là viên chức nhà nước. Cả hai nhìn nhận đây là cơ hội để tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu, hướng chính là xử lý môi trường nước, chất thải bằng cách sử dụng vật liệu nano mới có hiệu năng cao. Trang và Ngần lý giải ở Việt Nam có tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi, trong khi không có hệ thống máy móc tiên tiến để xử lý kháng sinh tồn dư trong nước thải. Nếu như các chất này có trong nước sinh hoạt, người dùng có thể gặp tình trạng kháng thuốc do hấp thu thụ động.

“Các nghiên cứu này sẽ giúp loại bỏ các tồn dư kháng sinh, chất thải y tế độc hại trong nước. Hiệu suất của các nghiên cứu cao, trên 85% nên mình nghĩ có thể áp dụng vào lĩnh vực y khoa, xử lý ô nhiễm môi trường”, Trang nói.

image 15
Vũ Thị Ngần hôm nhận bằng cử nhân Hóa Dược năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Đức cho hay mặc dù nghiên cứu của hai nữ sinh rất cơ bản nhưng có khả năng ứng dụng cao khi thử nghiệm thành công trên mẫu nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp với kết quả tốt.

Ông đánh giá cả hai đều có đam mê với khoa học, khát khao cống hiến. Nhận ra điều này sớm, TS Đức đã ghép nhóm để các em cùng tiến.

“Số lượt trích dẫn của mỗi bạn đều trên 100, là mức rất hiếm với học viên cao học chuẩn bị nhận bằng thạc sĩ. Bản thân tôi làm xong tiến sĩ ở Nhật Bản sau khoảng ba năm mới đạt chỉ số này”, thầy Đức cho biết.

Trang và Ngần nói cả hai như bao đôi bạn sinh viên khác. Dù bận rộn với việc trong phòng lab, hai nữ sinh vẫn thường cùng nhau đi ăn, vui chơi.

“Làm nghiên cứu không hề khô khan như mọi người nghĩ. Ở trong phòng lab, chúng mình cùng giúp nhau làm thí nghiệm, bài tập trên trường và chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống, động viên nhau đi lên”, Trang và Ngần chia sẻ.

Hiện tại, Ngần gấp rút hoàn thiện hồ sơ để du học tiến sĩ ngành Hóa học tại Nhật Bản với học bổng toàn phần của chính phủ nước này (học bổng MEXT). Còn Trang sẽ làm nghiên cứu sinh ở trong nước.

“Chúng mình sẽ học tập, nghiên cứu nhiều hơn, sau đó làm nghiên cứu viên trong các viện, hay giảng viên để hướng dẫn các em sau này”, Ngần nói.